Xiaomi đang độc nhất thị trường theo một khía cạnh không mong muốn: Tự chối bỏ chính mình
Mỗi quý Apple thu hàng tỷ USD từ dịch vụ Internet. Samsung cũng còn tự phát triển được nền tảng bảo mật riêng, nền tảng thanh toán riêng và trợ lý ảo riêng. Nhưng bạn đã bao giờ thấy 2 ông lớn này “chém gió” kiểu Xiaomi, tự xưng mình là công ty Internet chứ không phải công ty smartphone?
Hãy để ý tới các thương hiệu công nghệ lớn và bạn sẽ nhận ra rằng gần như trong mọi trường hợp, mỗi hãng đều gắn liền với một danh mục sản phẩm nhất định. Ví dụ, Apple là “di động” (trước đây là máy tính), Google là tìm kiếm, Facebook là mạng xã hội, Amazon là mua hàng trực tuyến, Tesla là xe điện tự lái v…v…
Còn Xiaomi? Sẽ thật là vô lý nếu nhắc đến Xiaomi mà hai chữ “điện thoại” (hay “di động”) không hiện lên trong tâm trí. Xiaomi nổi lên như vũ bão nhờ khai phá trào lưu điện thoại phá giá, các sản phẩm thu hút sự chú ý nhất của Xiaomi cũng là những chiếc điện thoại Mi. Và doanh thu lớn nhất của Xiaomi cũng đến từ điện thoại.
Đừng nói rằng thứ đầu tiên bạn nghĩ đến khi nhắc đến Xiaomi không phải là “smartphone giá rẻ”.
Ấy vậy mà trong cuộc IPO khá thảm họa vừa rồi, CEO Lei Jun của Xiaomi lại khẳng định điều ngược lại: Xiaomi là một “công ty Internet”. Nói cách khác, Xiaomi không giống với Apple hay Samsung mà đang cố gắng trở thành Google, Facebook, Microsoft v…v…
Nhưng dù lời lẽ của vị CEO này có như thế nào, sự thật vẫn không thể thay đổi. Xiaomi là một công ty smartphone. 70% doanh số của Xiaomi đến từ smartphone. Nếu chỉ bằng một bộ ROM, bằng một cửa hàng ứng dụng, bằng dịch vụ quảng cáo, Xiaomi giờ vẫn sẽ là một tên tuổi vô danh. Thế giới đã có quá nhiều công ty tương tự từ nhiều năm trước, thứ chúng ta thiếu chỉ là một mồi lửa cho cuộc đua điện thoại “bán như cho” có thể khởi động.
Năm 2013, 2014, Xiaomi vươn lên vì lý do ấy. Xiaomi đi vào tâm trí người dùng với vai trò là kẻ khai mào cho cuộc đua bán phá giá cấu hình.
OK nếu là công ty Internet, Xiaomi liệu có thể thành công với những bản ROM “học hỏi” iOS?
Đáng tiếc rằng giờ đây cuộc đua ấy đã không còn nữa. Khi kinh tế phát triển, khi vai trò của chiếc smartphone được đẩy cao, người tiêu dùng sẽ ngày một gay gắt những rủi ro về độ bền hay bảo mật đi kèm với điện thoại “phá giá”. Cùng lúc, họ đòi hỏi nhiều hơn, cả về tính năng sáng tạo lẫn đẳng cấp. Khoản tiền người dùng sẵn sàng bỏ ra để sở hữu điện thoại đang ngày một gia tăng, cả tại Trung Quốc lẫn trên toàn cầu.
Bất chấp xu thế rõ rệt đó, Xiaomi vẫn kiên quyết phá giá điện thoại để khẳng định rằng Xiaomi không phải là một công ty chuyên về smartphone. Đầu năm, tỷ phú Lei Jun tuyên bố sẽ giới hạn lợi nhuận phần cứng ở mức 5%. Dịch vụ Internet hay các loại sản phẩm khác là “tiền bo” cho smartphone Xiaomi, một vị lãnh đạo khác khẳng định.
Kết quả là Xiaomi lỗ 1 tỷ USD chỉ trong 1 quý vừa qua. Rõ ràng là người dùng không muốn “bo” quá nhiều cho những chiếc điện thoại mang thiết kế copy và không một sáng tạo độc đáo nào về mặt tính năng.
Có “công ty Internet” nào lại liên tiếp thu hút sự chú ý bằng các sản phẩm phần cứng copy từ thiết kế đến tên gọi?
Hãy nhìn vào sự thật: Tự xưng là công ty Internet chỉ là một nỗ lực để qua mặt các nhà đầu tư. Dù chỉ chiếm phần nhỏ doanh thu, mảng Internet đem về tới 40% lợi nhuận cho Xiaomi. Tự mô tả mình là một công ty Internet và coi smartphone là cơ sở bán dịch vụ phần mềm là một cách để truyền đi thông điệp rằng, Xiaomi có thể sống sót và ổn định trong tương lai.
Thế nhưng, màn IPO thảm họa vừa qua cho thấy các nhà đầu tư không dễ bị qua mặt. Nói chính xác hơn, không hề tin rằng một công ty có tới 70% doanh thu đến từ smartphone lại có thể hoạt động theo kiểu một công ty Internet. Một lần nữa, hãy nhìn vào Apple, Samsung, Huawei… Ngay cả Apple, dù là “trùm” phần mềm trong hàng chục năm, dù quý vừa rồi thu 10 tỷ USD từ mảng dịch vụ, vẫn chưa bao giờ chối bỏ vai trò của iPhone.
Không có tương lai: Sau màn IPO thảm họa, đầu tuần này cổ phiếu Xiaomi vừa sụt thêm 10%.
“Công ty Internet” không phải là thứ gì đáng tự hào cả. Đó chỉ là vỏ bọc để Xiaomi che phủ đi sự thật rằng, công ty này chỉ có thể bán ra những chiếc smartphone có thiết kế giống Apple, cùng lúc không có nổi một tính năng mới mẻ nào trên tầm vóc thị trường. “Giới hạn” 5% lợi nhuận thực chất là mục tiêu, bởi nếu Xiaomi bán smartphone đắt hơn, sẽ chẳng có ai mua cả. Chẳng ai lại muốn bỏ ra nhiều tiền mua smartphone núp bóng sáng tạo của các hãng khác.
Ấy thế mà Xiaomi vẫn tự xưng là “công ty Internet thúc đẩy bởi sáng tạo”. Một tuần trước khi lên sàn, Xiaomi ra mắt bộ 3 Mi 8 với thiết kế y hệt iPhone X.
Bảo sao mà các nhà đầu tư xa lánh…