Tạm quên Apple, Samsung, Huawei chút vậy, vua phần cứng năm nay xứng đáng gọi tên Microsoft!
Ai là kẻ đã ra mắt những danh mục sản phẩm hoàn toàn mới theo hướng CÓ NGHĨA với người dùng?
Nếu bạn là tôi, trước sự kiện Surface có lẽ bạn chỉ chờ đợi một điều đơn giản: những bản cập nhật tốt hơn của những sản phẩm vốn đã tuyệt vời. Và quả thật đó là những gì Microsoft đã công bố trong ngày 2/10: Surface Pro 7, Surface Laptop 3 và Surface Pro X. Surface Pro nay đã mạnh mẽ hơn, đã có cổng USB. Surface Laptop có thêm kích cỡ mới 15 inch cùng hiệu năng đồ họa “nhanh nhất trong nhóm sản phẩm” từ AMD. Surface Pro X là mẫu Surface đầu tiên dùng chip ARM, mỏng nhẹ hơn, có sạc nhanh và kết nối 4G.
Và rồi, Surface Earbuds ra mắt. Sau khi thử nghiệm với tai nghe cỡ lớn, năm nay Microsoft đã tung ra những chiếc True Wireless nhỏ gọn với nhiều tính năng hữu ích dành cho người dùng chuyên nghiệp: dịch Doraemon, đọc nội dung PowerPoint trong lúc trình chiếu, pin 24 giờ, kết nối một chạm…
Nếu dừng lại ở đó, sự kiện Microsoft ngày 2/10 đã giống như rất nhiều sự kiện Surface của quá khứ. Những bản cập nhật tốt hơn của những sản phẩm vốn đã tuyệt vời. Những sản phẩm mới, nhưng không bất ngờ. Làm gì có ai từng bất ngờ về Surface Laptop, Surface Book hay Surface Headphones đâu?
Thế rồi, Microsoft vén màn tiếp một chiếc PC Windows mang tên Surface Duo. Đó không phải là một sản phẩm thực sự bất ngờ, bởi tin đồn Microsoft phát triển thiết bị màn hình kép cũng đã có từ lâu. Microsoft cũng chẳng phải kẻ đầu tiên ra mắt “laptop” màn hình kép: vài tháng trước thôi, ASUS đã vén màn một chiếc Zenbook kỳ dị với màn hình cỡ lớn tích hợp bên trên bàn phím. Intel tại Computex cũng có một chiếc laptop gần như giống hệt: màn hình chính cỡ lớn, màn hình nhỏ nằm ngang với diện tích bằng một nửa để “chừa lại’ một ít diện tích cho bàn phím vật lý. Và, nói một cách chính xác thì, tuy gây tranh cãi nhưng thanh Touchbar trên MacBook Pro mấy năm trước cũng được tính là màn hình phụ.
Bất chấp tất cả những điều này, Surface Neo vẫn gây bất ngờ. Bất ngờ của Microsoft nằm ở chỗ chiếc PC màn hình gập này không giống với ASUS và cũng chẳng giống với hình dung của bất kỳ ai cả. Cả 2 màn hình đều có kích cỡ nhỏ, khi mở ra có lẽ chỉ ngang bằng với kích cỡ của một chiếc Pro thông thường. Màn hình có thể gập từ trong ra ngoài để dùng như tablet cỡ nhỏ. Đặc biệt nhất, bàn phím được gắn qua kết nối nam châm một cách dễ dàng, có thể đặt theo cạnh dưới màn hình để chừa một thanh nội dung thông minh bên trên (theo kiểu Touchbar), cũng lại có thể đặt lên cạnh trên để chừa ra một “touchpad” ảo.
Chưa dừng lại ở đây, trong một khoảnh khắc rõ ràng là gợi nhắc đến “One More Thing” của Steve Jobs, giám đốc sản phẩm của Microsoft là Panos Panay đã vén màn một sản phẩm không ai nghĩ đến cả. Lần đầu tiên kể từ khi khai tử Nokia, Microsoft đã vén màn smartphone Android – một chiếc smartphone 2 màn hình với logo Windows phía sau lưng. Một chiếc smartphone Android và đầy đủ các ứng dụng Google cùng chợ Google Play – nhưng cũng là một chiếc smartphone Android với các ứng dụng làm việc và liên lạc của Microsoft.
Ý tưởng smartphone 2 màn hình chẳng phải mới. Ý tưởng laptop 2 màn hình cũng vậy. Nhưng tại sao chỉ trong một sự kiện mà Microsoft đã có thể khiến người ta phấn khích tới vậy?
Đơn giản thôi, bởi Microsoft giống với Apple trước đây. Cái “đắt” nhất của những sản phẩm Surface mới không phải ở chỗ chúng mang trong mình những ý tưởng hoàn toàn mới, là là bởi chúng đang áp dụng những đột phá theo cách có nghĩa.
Vâng, 2 màn hình. Trên smartphone, Galaxy Fold gặp lỗi quá nhiều, Mate X thì chưa bị cấm cũng đã gặp lỗi rồi. Trên laptop, Intel và ASUS đặt 2 màn hình nằm ngang nhau… Không hiểu 2 ông lớn phần cứng này nghĩ gì, nhưng quả thật màn hình phụ đặt ngang thì chỉ có thể dùng theo kiểu Touch Bar phóng đại.
Microsoft thì nghĩ khác. Cùng là 2 màn hình, Microsoft sẵn sàng phân tách làm đôi với gờ phân cách ở giữa để tránh tất cả các vấn đề độ bền đang tiềm tàng với công nghệ màn hình dẻo. Quan trọng hơn, Microsoft hướng người dùng sử dụng 2 màn hình theo cách phân tách chiều dọc. Có người dùng Windows nào chưa từng chia desktop của mình ra làm 2 nửa trái phải cho 2 ứng dụng dùng song song? Có ai dùng Windows mà lại không thích đa nhiệm, không thích kết hợp 2 ứng dụng đặ cạnh nhau một cách nhuần nhuyễn?
Trải nghiệm Surface Neo và Surface Duo ngày hôm nay cũng chỉ là sự kế thừa cho trải nghiệm hết sức quen thuộc ấy. Điểm khác biệt nằm ở chỗ, chúng gập lại được, và khi gập thì người dùng có một thiết bị đủ mỏng nhẹ để cầm trên tay một cách thoải mái để xem phim, để gọi điện hay đơn giản là để cầm đi lại trong văn phòng. Microsoft đã thực sự phát triển những ý tưởng hoang đường trở thành những sản phẩm rất thực tế.
Trước đến nay, nhắc đến câu chuyện “biến ý tưởng hoang đường trở thành trải nghiệm thực tế” có lẽ người ta sẽ nghĩ ngay đến Apple. Nhưng trong một năm mà Apple đơn giản chỉ cải tiến các sản phẩm của riêng mình, Microsoft lại trở thành kẻ tạo ra những dòng sản phẩm hoàn toàn mới. Trong một năm mà Samsung, Huawei hay Xiaomi đang theo đuổi những ý tưởng vừa hoang đường vừa kém thực tế (vì kém bền), Microsoft lại là kẻ tạo ra một trải nghiệm mới, trực quan đến ngỡ ngàng.
3 năm trước, 5 năm trước, 10 năm trước, ai dám nghĩ điều này sẽ xảy ra? Ai dám nghĩ Microsoft lại có ngày sáng tạo đến thế này? Nhà vua đã trở lại, và nay ngày còn là vua cõi mới. Thế nên mới nói, tạm quên Apple, Samsung Huawei với Xiaomi đi, vua phần cứng năm 2019 phải là Microsoft.