Oppo F7: Đánh giá dưới góc độ của một fan công nghệ
Oppo là cái tên gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng công nghệ, trong đó đa phần là những ý kiến tiêu cực. Vậy trong con mắt của một người yêu công nghệ, chiếc máy mới nhất của Oppo là F7 để lại những ấn tượng gì?
Oppo vẫn luôn là một cái tên đi đôi với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Dưới góc độ của những người hiểu biết công nghệ, các sản phẩm của Oppo có mức cấu hình/tính năng thấp hơn so với các đối thủ khác trong cùng phân khúc. Thế mạnh đáng kể nhất của Oppo có lẽ là selfie – một khía cạnh mà rất nhiều tín đồ công nghệ không quan tâm. Và vì vậy, theo họ, những chiếc smartphone Oppo là không thật sự đáng mua.
Nhưng khi nhìn ra ngoài thị trường, những người dùng thông thường, cũng là đối tượng không hiểu biết nhiều về công nghệ và chiếm đa phần dân số, lại có vẻ rất yêu thích sản phẩm đến từ hãng này. Theo số liệu của GfK, trong năm 2017, Oppo chiếm 19.7% thị phần và đứng thứ hai tại Việt Nam. Oppo chắc hẳn đã phải làm một điều gì đó đúng thì mới có được thành công như ngày nay.
Những luồng ý kiến trái chiều đó lại một lần nữa được nổi lên khi Oppo ra mắt chiếc máy mới nhất của mình hồi đầu tháng Tư vừa qua – F7. Như các sản phẩm trước, Oppo F7 tiếp tục được hãng chú trọng vào selfie, tiếp tục sở hữu thiết kế giống kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy và tiếp tục có gương mặt đại diện Sơn Tùng M-TP.
Thật sự mà nói, tôi không hào hứng với Oppo F7 vào thời điểm ra mắt. Đặc điểm nổi bật nhất của F7 là selfie, tuy nhiên do là con trai vậy nên tôi không thật sự quan tâm. Những tính năng khác như thiết kế “giả kính”, màn hình tai thỏ 18:9, nhận diện khuôn mặt… đều đã có trên nhiều smartphone khác trước đó và Oppo chỉ là người chạy theo, không có gì đáng để ngóng chờ.
Vậy mà khi được sử dụng thực tế chiếc máy này, tôi cảm thấy thật sự bất ngờ. Nói chính xác hơn, đó là sự ấn tượng vì Oppo đã khắc phục được rất nhiều vấn đề mà giới công nghệ từng than phiền trước đây. Nhưng, không gì là hoàn hảo, và F7 vẫn còn đó những điểm yếu khiến cho chiếc máy này không thể trở thành một lựa chọn khả dĩ trong mắt người yêu công nghệ.
Oppo F7 là chiếc máy ấn tượng nhất từ trước đến nay
Với F7, Oppo đã làm được nhiều điều đúng đắn và khắc phục được nhiều thứ mà người dùng từng phàn nàn trên các dòng sản phẩm trước đây.
Đầu tiên về hiệu năng. Đây vẫn luôn là một điểm yếu của máy tầm trung Oppo trong nhiều năm qua, do khi so sánh với các đối thủ khác, cấu hình của Oppo luôn thua kém một bậc. Đây cũng chính là lý do tại sao đối tượng người dùng gamer không mấy mặn mà với sản phẩm của hãng này.
Với F7, Oppo đã cho thấy một sự cải tiến vượt bậc khi trang bị con chip Helio P60. Mặc dù đến từ MediaTek, nhưng P60 không phải “dạng vừa” khi nó cho hiệu năng CPU và GPU rất tốt, gần chạm ngưỡng của Snapdragon 660. Qua trải nghiệm, Oppo F7 đủ sức “cân” tất cả các tựa game phổ biến hiện nay. Các bạn có thể xem bài đánh giá hiệu năng game của Oppo F7 tại
Màn hình “tai thỏ” của Oppo rõ ràng là một sự bắt chước iPhone X, tuy nhiên, Oppo không dừng lại ở đó mà có bổ sung thêm một vài tính năng hữu ích. Ví dụ khi đang chơi game, người dùng có thể vuốt từ mép “tai thỏ” để hiển thị một số tiện ích như hiển thị cửa sổ Tin nhắn nhỏ, quay video, chụp ảnh màn hình – rất thiết thực đấy chứ.
Một tính năng khác mà Oppo được Apple “truyền cảm hứng” là nhận dạng khuôn mặt, và F7 có lẽ là chiếc smartphone Android với tốc độ mở khóa khuôn mặt nhanh và ổn định nhất hiện nay, thậm chí vượt qua cả nhiều mẫu máy flagship như Galaxy S9. Đương nhiên, nó không hoạt động trong bóng tối và bảo mật vẫn là một vấn đề bị bỏ ngỏ, nhưng F7 là chiếc smartphone Android hiếm hoi mà tôi có thể tự tin sử dụng tính năng mở khóa khuôn mặt một cách thoải mái.
Thanh điều hướng được Oppo đem đến nhiều sự lựa chọn cho người dùng. Bên cạnh cách thức truyền thống của Android là hiển thị nút ảo trong màn hình, phần mềm của Oppo còn cho phép chuyển sang các chế độ bằng cử chỉ, hay thu gọn các phím điều hướng thành các vạch ngang nhỏ nhằm giúp tiết kiệm diện tích, tạo ra trải nghiệm toàn màn hình tốt hơn.
Không chỉ có vậy, một điểm mạnh khác về phần mềm của F7 là việc nó chạy trên nền phiên bản Android mới nhất là 8.1 Oreo. Trước đây, Oppo thường bị chỉ trích vì cài đặt phiên bản Android cũ trên các máy của mình. Nay với F7, hãng đã cho thấy sự cải tiến vượt bậc.
Thời lượng pin của F7 rất tốt. Viên pin của máy có dung lượng 3400mAh, đủ để người dùng thoải mái sử dụng trong một ngày. Sẽ tốt hơn nếu máy hỗ trợ sạc nhanh VOOC, tuy nhiên với việc nó thuộc phân khúc tầm trung, chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi thứ.
Điều cuối cùng và gây tranh cãi nhất trên F7 là thiết kế. Bên cạnh màn hình tai thỏ giống với iPhone X, việc Oppo sử dụng chất liệu nhựa trên toàn bộ thân máy đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Cá nhân tôi không cho rằng đây là một vấn đề lớn, do (1) Oppo F7 trông vẫn rất đẹp, (2) sử dụng nhựa giúp chiếc máy này nhẹ và (3) đa số người dùng dù sao cũng sẽ sử dụng ốp lưng. Tôi vẫn sẽ ưu tiên những chất liệu cao cấp như kính và kim loại hơn, nhưng tôi không cho rằng việc F7 được làm bằng nhựa là một thứ đáng để bị thổi phồng.
Nhưng, Oppo F7 vẫn không phải chiếc máy dành cho tín đồ công nghệ
Mặc dù F7 có rất nhiều điểm mạnh, tuy nhiên nó vẫn tồn tại những vấn đề làm cho tôi cảm thấy khó chịu.
Như đã nói ở trên, Oppo đã cho thấy nỗ lực của mình khi mang đến cho F7 phiên bản Android mới nhất. Tuy nhiên, bộ phần mềm ColorOS vẫn chưa cho thấy nhiều sự tiến bộ.
Đầu tiên, cần phải nói rằng ColorOS trông rất xấu. Nó như một sự kết hợp kỳ quặc giữa iOS và Android, giữa thiết kế của Apple và Material Design của Google, giữa lối thiết kế phẳng và “skeuomorphism” (như iOS 6 trở về trước) với hiệu ứng đổ bóng và gradient trộn lẫn. Font chữ hệ thống của ColorOS trông cũng khá xấu và không tôn lên vẻ đẹp của màn hình. ColorOS tạo cho tôi cảm giác như đang sử dụng một chiếc điện thoại của trẻ con và khiến cho Oppo F7 mất đi giá trị của mình.
Màn hình chính của ColorOS là các hàng biểu tượng hệt như iOS. Đây là một hướng đi phổ biến được nhiều nhà sản xuất lựa chọn, tuy nhiên Oppo đưa nó lên một “tầm cao mới” khi người dùng không thể tùy ý đặt icon ở vị trí mình mong muốn.
Không chỉ có vậy, ColorOS còn tạo nên nhiều phiền toái trong quá trình sử dụng. Người dùng không thể trượt thông báo qua phải để xóa nó đi như cách mà mọi máy Android khác làm, thay vào đó, họ phải trượt qua trái và bấm nút xóa – rất mất thời gian.
Người dùng cũng bị ép sử dụng ứng dụng Tin nhắn mặc định của máy. Nếu như chuyển sang một ứng dụng khác (ví dụ như Android Messages của Google), ColorOS sẽ nói rằng ứng dụng này “không an toàn” và tự động đặt lại về ứng dụng mặc định.
Nếu như người dùng sử dụng một số ứng dụng yêu cầu quyền trợ năng (Accessibility) như Greenify, thanh trạng thái sẽ nhấp nháy liên tục kèm theo “Có rủi ro bảo mật hệ thống”.
Khi bật tính năng USB Debugging, Oppo còn thêm một lớp bảo mật và yêu cầu người dùng nhập mã captcha. Tương tự như trên, thanh trạng thái cũng liên tục nhấp nháy để khuyến khích người dùng tắt tính năng này càng sớm càng tốt.
Và cũng như nhiều chiếc máy Oppo trước đây, cộng đồng phát triển công cụ root, custom ROM và các thủ thuật liên quan cho F7 gần như là con số 0 tròn trĩnh. Nếu bạn là một người thích tinh chỉnh chiếc điện thoại của bạn theo ý mình, F7 chắc chắn không phải sự lựa chọn tốt.
Đó là một vài ví dụ khiến cho tôi “điên đầu” khi sử dụng ColorOS. Sẽ có người cho rằng đây là những biện pháp thiết thực của Oppo nhằm tăng tính bảo mật – hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc Oppo F7 không phải chiếc điện thoại mà giới công nghệ sẽ cảm thấy hài lòng.
Oppo F7 là chiếc smartphone tốt dành cho những người “bình thường”
Trước đây, nhiều người cho rằng những chiếc máy tầm trung của Oppo bán chạy là nhờ quảng cáo, tiếp thị và tên tuổi của Sơn Tùng M-TP, còn về sản phẩm thì không có gì quá nổi trội so với đối thủ. Với F7, Oppo đã cho thấy một bộ mặt hoàn toàn khác.
Đây là một chiếc máy đẹp, mạnh, màn hình tốt, pin “trâu”, camera ổn và chạy trên phiên bản phần mềm Android mới. Nếu như trước đây, người dùng Oppo luôn phải chịu thua thiệt về thông số cấu hình so với các sản phẩm khác, thì nay, họ có thể tự tin rằng mình đang sở hữu một chiếc máy hết sức cạnh tranh.
Mặc dù F7 đã phần nào giúp thay đổi quan điểm trong mắt người yêu công nghệ và tạo cho họ cảm tình, tuy nhiên, để thu hút đối tượng người dùng này sở hữu nó vẫn còn là một thách thức hết sức khó khăn với Oppo. Thiết kế giống iPhone, vỏ nhựa, cổng microUSB, chip MediaTek hay ColorOS có thể không phải là vấn đề lớn với người dùng bình thường, nhưng với người yêu công nghệ, người biết rằng ngoài kia có những thứ tân tiến hơn… thì đó lại là lý do khiến cho họ không thể coi F7 là một sự lựa chọn khả dĩ.