iPhone Lock thật sự có tệ như người ta vẫn nói?
Sau nhiều lần SIM ghép bị khóa, nhiều người cho rằng iPhone Lock tuy rẻ nhưng là “của ôi” và không còn đáng mua. Nhưng liệu thực tế có phải như vậy?
iPhone Lock, hay còn gọi là iPhone khoá mạng luôn là một chủ đề gây tranh cãi. Sở hữu mức giá rẻ hơn quốc tế, tuy nhiên iPhone Lock cũng tạo ra những phiền phức trong quá trình sử dụng. Mỗi lần SIM ghép bị khóa, các kênh thông tin truyền thông lập tức đưa tin, từ đó kéo theo những luồng ý kiến tiêu cực rằng không nên mua iPhone Lock, iPhone Lock đã hết thời hay iPhone Lock “mất nhiều hơn được”. Vậy, liệu iPhone Lock có tệ như người ta vẫn nói?
“iPhone Lock nhiều lỗi, không ổn định, sử dụng phức tạp”: Nhận định này có đúng?
iPhone Lock, mặc dù giá rẻ hơn, vẫn là một chiếc iPhone. Nó được sản xuất bởi Apple, và nó vẫn phải vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe thì mới được xuất xưởng và đến tay người tiêu dùng. Sự khác biệt cơ bản (và duy nhất) giữa iPhone Lock và iPhone quốc tế là việc một chiếc máy khoá mạng, phải sử dụng SIM ghép và một chiếc máy có thể cắm SIM tuỳ ý. Do iPhone Lock đến từ nhà mạng, và nhà mạng luôn có chính sách hỗ trợ giá cho thuê bao, vậy nên iPhone Lock có giá rẻ hơn.
Vì vậy, nói iPhone Lock giá rẻ nên kém chất lượng là không chính xác. Chỉ là, lợi dụng tâm lý ham rẻ của một số người mua iPhone Lock, một số kẻ xấu đã bán cho họ những chiếc máy dựng kém chất lượng mà thôi.
Thứ khiến cho iPhone Lock trở nên “phiền phức” chính là SIM ghép, cũng là thứ bắt buộc để một chiếc iPhone Lock hoạt động bình thường. Nếu như trước đây, SIM ghép chỉ đơn thuần là để giúp máy nhận mạng và vẫn còn để lại rất nhiều lỗi như *101# hay khó kích hoạt iMessage/FaceTime, thì trong vòng hơn 1 năm trở lại đây với sự ra mắt của SIM ghép “thần thánh”, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trải nghiệm iPhone Lock giờ đây không gặp bất kỳ một lỗi nào, và có thể nói là không khác gì một chiếc máy quốc tế.
Dù vậy, SIM ghép mỏng manh như một tờ giấy và rất dễ bị hỏng. Ngay từ quá trình lắp SIM vào máy, nếu bạn không cẩn thận, cũng có thể làm hỏng và khiến bạn phải tốn tiền mua một chiếc SIM ghép khác (với giá khoảng 100 nghìn đồng). Vấn đề nổi cộm hơn liên quan đến SIM ghép là ICCID. ICCID gồm 20 chữ số, là yếu tố quan trọng nhất để một chiếc SIM ghép có thể hoạt động. Nếu ICCID “chết”, người dùng sẽ không thể kích hoạt SIM. Apple cũng thường xuyên càn quét các mã ICCID, khiến cho một mã khó có thể sống thọ.
SIM ghép là thứ khiến cho iPhone Lock trở nên phiền phức hơn so với máy quốc tế
Tuy nhiên, liệu đây có phải là điều đáng để bận tâm?
– Khi mua máy, công việc lắp và kích hoạt SIM ghép sẽ đều do cửa hàng thực hiện – người dùng chỉ việc cầm máy về và dùng.
– Thời gian gần đây, tình trạng ICCID bị khoá đã bớt nghiêm trọng hơn nhiều. Số lượng ICCID xuất hiện nhiều hơn, và ngay sau khi ICCID cũ bị khoá, ICCID mới lập tức xuất hiện với số lượng lớn.
Ở thời điểm hiện tại, để tìm một mã ICCID còn sống là rất dễ dàng – chỉ cần Google là xong
– iPhone Lock hoàn toàn có thể cập nhật phần mềm OTA bình thường như quốc tế. Người dùng chỉ thật sự gặp vấn đề khi họ thay đổi SIM, reset/restore phần mềm VÀ không có mã ICCID nào sống. Người dùng hiện nay hầu như chỉ sử dụng một số điện thoại cố định và cũng rất ít khi tháo hay đổi SIM. Và, một khi đã kích hoạt thành công, người dùng có thể yên tâm rằng chiếc máy của họ sẽ không bao giờ “bất thình lình” gặp lỗi, kể cả khi mã ICCID bị khoá.
– Người dùng cũng không cần phải tốn tiền mua SIM ghép mới sau mỗi lần ICCID bị khoá, do những phiên bản SIM ghép gần đây đều đã tích hợp tính năng đổi ICCID trực tiếp.
Nếu bạn chỉ là một người dùng bình thường, cắm SIM vào máy và quên nó đi không bao giờ nghĩ đến chuyện tháo ra, không bao giờ vọc vạch đến độ phải restore lại phần mềm, thì iPhone Lock hoạt động ổn định chẳng khác gì quốc tế.
Ở một khía cạnh khác: Tại sao các cửa hàng lại không mặn mà với iPhone Lock?
Khi kinh doanh bất kỳ một thứ gì, cho dù nhỏ hay lớn, thì uy tín vẫn là thứ mà bất kỳ người chủ nào cũng mong muốn đạt được. Chỉ có sự uy tín mới giúp thôi thúc những vị khách hàng quay trở lại trong lần mua sắm tiếp theo, cũng như giới thiệu cho bạn bè, người thân của họ. Và, iPhone Lock mặc dù có giá rẻ nhưng lại không phải là cách để gây dựng uy tín, mà trái lại, nó còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Một số người dùng vì mức giá rẻ nên đã mua iPhone Lock mà không biết tường tận những hạn chế của nó. Chính vì vậy, họ sử dụng iPhone Lock như những chiếc máy điện thoại thông thường khác, bao gồm việc thay đổi SIM hay reset lại máy mà không biết rằng đây là những điều cấm kị – và từ đó vô tình tự tạo ra vấn đề cho mình. Lúc này, cửa hàng sẽ là “bia đỡ đạn” trước hàng loạt những lời phàn nàn và sự bực tức của khách hàng, trong khi khó có thể trách khách hàng sử dụng sai cách, từ đó vô hình chung mất đi sự uy tín.
Đại diện một hệ thống bán điện thoại lớn cho biết: trước đây vào năm 2015, hệ thống này từng kinh doanh iPhone Lock. Tuy nhiên sau một vài tháng triển khai, lượng khách gặp trục trặc quá nhiều và khiến đội ngũ kỹ thuật tốn nhiều thời gian hỗ trợ hơn hẳn các dòng máy khác. Mặc dù thời điểm đó iPhone Lock rất được ưa chuộng, tuy nhiên hệ thống trên đã quyết định dừng bán. Điều này đã giúp cho hệ thống này tiết kiệm thời gian và nhân lực cho các dòng máy khác, và quan trọng hơn là xây dựng hình ảnh một chuỗi bán hàng uy tín trong thời gian dài, chứ không ham lợi nhuận trước mắt.
Không được bán tại các hệ thống lớn, tuy nhiên iPhone Lock vẫn được bày bán rộng rãi tại nhiều cửa hàng với quy mô nhỏ hơn tại VN
Giờ đây, iPhone Lock mặc dù không còn tạo được cơn sốt như trước, tuy nhiên khó có thể nói nó đang biến mất khỏi thị trường. Mặc dù không được bày bán tại các hệ thống lớn, tuy nhiên người dùng có thể dễ dàng tìm mua dòng máy này ở các cửa hàng có quy mô nhỏ hơn. iPhone Lock chắc chắn sẽ không biến mất nếu như nhu cầu của người dùng là vẫn còn.
iPhone Lock thật sự có tệ như người ta vẫn nói?
Chúng tôi cho rằng những ý kiến tiêu cực về iPhone Lock như “iPhone Lock bị người dùng tẩy chay”, hay “iPhone Lock đến bờ vực tuyệt chủng tại VN” dường như đang bị phóng đại quá mức. Dẫu rằng iPhone Lock gặp phải nhiều vấn đề hơn iPhone quốc tế, tuy nhiên đừng quên rằng mức giá của nó rẻ hơn đáng kể, đôi khi lên đến 4-5 triệu đồng đối với các model như iPhone 8 Plus hay iPhone X. Đây là một khoản tiết kiệm không hề nhỏ đối với nhiều người.
Giá rẻ chắc chắn là phải đi đôi với hạn chế. Một số người có thể sống chung với những hạn chế này, nhưng một số người thì không. Điểm mấu chốt ở đây là: người dùng cần phải hiểu rõ về chúng; để từ đó biết được rằng iPhone Lock có phù hợp với nhu cầu của mình hay không và khi sử dụng phải lưu ý những điều gì. Chỉ có vậy, người dùng mới không đưa ra quyết định mua sắm sai lầm, không tự tạo ra rắc rối trong quá trình sử dụng và không lâm vào cảnh “mua bực vào người”.
Hãy tự trang bị cho mình những kiến thức về sản phẩm trước khi quyết định mua, vì chỉ có như vậy, bạn mới trở thành một người tiêu dùng thông thái.