Đây là lý do vì sao Google không những không muốn chống lại iOS mà còn đặc biệt ưu ái Apple
Nói một cách đơn giản thì nỗ lực bóp chết iOS và đưa Android lên vị thế thống trị tuyệt đối sẽ không đem lại lợi ích đáng kể nào cho Google cả.
Gần 10 năm trước, Steve Jobs đã tuyên bố sẽ tiến hành “thánh chiến” chống lại Android. Với nhà sáng lập của Apple, sự xuất hiện của chú robot xanh chính là một sự xúc phạm dành cho iOS, dành cho chiếc iPhone đã cách mạng thị trường di động.
Chiến tranh không thể chỉ có một bên. Nhưng “kẻ thù” của Apple thì sao? 10 năm sau ngày Android ra mắt, Google đang ưu ái dành cho Apple… gần 100 ứng dụng. Danh sách này bao gồm cả những ứng dụng quen thuộc như Gmail, YouTube cho đến những ứng dụng mang tính chất phô trương công nghệ như Google Assistant hay Google Lens.
Quảng cáo và nghịch lý iOS-Android
Muốn biết lý do cho sự ưu ái đầy nghịch lý này, bạn chỉ cần nhìn vào báo cáo tài chính của Google. Không có phần nào nói về doanh thu hay lợi nhuận đến từ Android cả. Đúng vậy, dù đang giữ vị thế thống trị trên thị trường vô cùng trọng yếu là di động, Google vẫn chẳng hề thu tiền từ Android.
Có một con số mà các nhà đầu tư Google còn quan tâm hơn cả mức độ phủ sóng của Android: giá trung bình của quảng cáo.
Vậy thì Android dùng để làm gì? Câu trả lời là để làm phương tiện phổ cập các dịch vụ của Google. Trừ Amazon và Trung Quốc, các thương hiệu Android lớn đều bị ép buộc vào các thỏa thuận sử dụng Android kèm với Gmail, YouTube, Maps v…v…
Nhưng đứng ở góc độ dịch vụ thì iOS cũng… chẳng khác gì Android. Khi nhận/gửi mail trên ứng dụng Gmail, dù có là Android, iOS hay web thì bạn đều cho phép Google “quét” mail để tìm ra các chủ đề ưa thích và đưa tới bạn các mẩu quảng cáo phù hợp. Chính bởi lý do này mà ngay từ thời sơ khai của iOS, Google đã là một trong những nhà phát triển quen thuộc nhất với các trải nghiệm rất đầy đủ.
Mỏ vàng cho Google
Sự ưu ái của Google dành cho iOS không phải là không có lý do. Hãy nhớ rằng, cuộc cách mạng Android thực chất đã diễn ra chỉ vì Apple từ chối nhảy vào phân khúc trung/cao cấp, gián tiếp cho phép Samsung và các tên tuổi khác bành trướng. Nhưng chính lựa chọn này đã cho phép Apple vẫn có thể áp đảo phân khúc cao cấp (giá iPhone đến tay người dùng vẫn cao gấp 3 lần Samsung). Chạm tay vào khối người dùng iOS là chạm tay vào các khách hàng dư dả hơn người dùng Android, và do đó, có tiềm năng mua sắm lớn hơn.
Chạm tay vào iOS là chạm tay vào nhóm người dùng có tiềm năng doanh thu quảng cáo lớn hơn hẳn Android.
Một lý do khác cũng không thể bỏ qua là tình trạng độc quyền. Hiện tại, Google đang chiếm trên 80% thị trường tìm kiếm. Trong quá khứ, Google đã từng dùng các vụ kiện độc quyền để hất đổ vị thế của Internet Explorer, đưa Chrome lên ngôi. Nếu dùng tìm kiếm để hạ bệ iOS, Google sẽ vô tình đưa mình vào chính cái bẫy đã tự giăng ra vài năm trước.
Nhưng tạm xếp vấn đề đạo đức/pháp lý sang một bên thì thứ quan trọng nhất với các công ty vẫn là… tiền. Đưa Android lên vị thế thống trị tuyệt đối thực chất không phải là một mục tiêu hấp dẫn, bởi Apple vẫn có thể thay thế Google bằng Bing bất cứ lúc nào, tước đi một phần lợi nhuận quảng cáo của Google. Một cuộc chiến như vậy có lẽ sẽ kết thúc với phần thua thuộc về Táo (và Microsoft), song cũng sẽ khiến Google phải chịu những khoản tổn thất doanh thu nhất định.
Chẳng có lý do gì để phải chịu các khoản tổn thất này cả: ngay từ bây giờ, Google Search (và có lẽ là cả Gmail, YouTube, Maps…) đã là vua trên cả iOS và Android. Lợi nhuận quảng cáo vẫn cứ đều đặn đổ về, mất công gây chiến với iOS để làm gì cơ chứ?