3 hiểu lầm thường thấy về hiện tượng “chai” pin điện thoại
Hãy cùng chúng tôi vạch trần những luận điểm vô cớ liên quan đến hiện tượng này.
Có lẽ bạn đã không còn xa lạ với thực tế rằng, chỉ sau 1 năm sử dụng, tuổi thọ pin chiếc smartphone của bạn bắt đầu suy giảm. Đâu là lý do dẫn tới sự cố này? Hãy cùng chúng tôi vạch trần những hiểu lầm thường thấy trong những cáo buộc dẫn tới hiện tượng sụt pin này.
1. Cắm sạc qua đêm có hại cho pin!
Chắc hẳn bạn đã từng được bạn bè, hay thậm chí người bán điện thoại khuyên rằng không nên sạc điện thoại qua đêm. Nhưng ai có thể dậy vào 3 giờ sáng để rút sạc ra?
Tin vui cho bạn là chiếc điện thoại bé nhỏ thông minh hơn bạn nghĩ nhiều. Khi bạn cắm sạc, pin lithium bắt đầu nạp điện từ từ cho đến khi ion lithium “bão hòa” ở mức 4,1 volt, cũng là lúc pin báo đầy.
Isidor Buchmann, người sáng lập và giám đốc điều hành của Cadex Electronics và sáng lập trang web giáo dục Battery University, cho biết: “Sau khi sạc đầy, chiếc điện thoại của bạn sẽ tự dừng sạc.”
Vậy nên, với cục sạc bình thường, pin điện thoại sẽ không thể sạc được quá 4,1 volt. Nhưng liệu sạc đầy pin trong một thời gian dài có làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin?
Bachmann cho biết: “Khi người dùng luôn muốn điện thoại đầy pin, họ sẽ dễ sạc quá mức và từ đó gây ảnh hưởng xấu đến pin. Nhưng, hiện nay, với các loại điện thoại thông minh, người dùng thường không quan tâm đến tuổi thọ của pin. Họ sẽ dùng 2 đến 3 năm rồi thay cái mới mặc dù cục pin cũ vẫn còn tốt.”
Các loại công nghệ có tuổi thọ pin dài hơn, như vệ tinh và xe điện, là một câu chuyện khác. Trong trường hợp đó, các kỹ sư phải có biện pháp phòng ngừa đặc biệt để kéo dài tuổi thọ của pin lithium. Ví dụ, ắc quy trong xe điện sẽ không bao giờ sạc đầy 100% và cũng không bao giờ hết sạch pin đến 0%.
Bachmann cho biết: “Các loại công nghệ này luôn hoạt động ở khoảng giữa của pin để giảm thiểu nhất việc hoạt động quá năng suất.”
Tóm lại, bạn không cần phải dậy lúc 3 giờ sáng để rút sạc. Chỉ cần pin báo 100% vào buổi sáng và bạn có thể sử dụng nó cả ngày cho đến khi phải sạc lại.
2. Phải đợi pin hết thì mới sạc!
Không! Sạc nhiều lần trong ngày tốt cho pin hơn nhiều việc đợi hết sạch pin mới sạc. Khoảng thích hợp nhất để sạc là khi pin còn từ 40% – 80%. Tương tự như một thiết bị cơ khí hao mòn nhanh hơn khi sử dụng nhiều, mức độ năng lượng đã tiêu thụ (DoD) quyết định chu kỳ tuổi thọ của pin. Lượng tiêu thụ càng thấp (low DoD) thì tuổi thọ pin càng kéo dài. Vì vậy, hãy tránh việc dùng cạn sạch pin. Thay vào đó bạn nên sạc nhiều lần trong ngày.
Tuy nhiên, cứ 3 tháng pin cần được hiệu chuẩn 1 lần bằng cách dùng điện thoại cho đến khi pin báo yếu mới sạc.
3. Chẳng cần lo lắng về việc pin nóng?
So với cách thức sạc, nhiệt độ ảnh hưởng hơn nhiều đến tuổi thọ của pin. Để điện thoại cạnh cửa sổ hay trên bàn điều khiển ô tô vào những ngày nắng nóng, bạn đã vô tình làm giảm năng suất của pin.
Không những vậy, nếu sạc đầy 100% pin trong môi trường có nhiệt độ cao, pin sẽ bị hư tổn rõ rệt. Trang web Battery University đã đăng tải thử nghiệm về việc lưu trữ pin lithium ở môi trường 40∘C trong vòng 1 năm. Họ nhận thấy: cục pin duy trì mức năng lượng 100% sẽ giảm khoảng 35% thời gian tuổi thọ của nó; cục pin duy trì mức năng lượng 40% sẽ chỉ giảm 15% thời gian tuổi thọ.
Vì vậy nên pin được bảo quản rất kỹ trong quá trình vận chuyển: đảm bảo nhiệt độ vừa phải và không có đầy pin.
Nguồn: Livescience