Sony có đủ lý do để khai tử các mảng thiết bị điện tử, nhưng xin đừng làm thế Sony ơi
Tuyên bố gây sốc của tân CEO Yoshida rằng Sony sẽ dần dần từ bỏ phần cứng không hề vô lý một chút nào cả. Nhưng dù có thất bại đến đâu, các thiết bị Sony vẫn còn một thế mạnh không hãng nào khác có được: tình yêu của người hâm mộ dành cho thương hiệu Sony.
Trong một tuần lễ tràn ngập các tin tức công nghệ, có lẽ không có thông tin nào gây lo lắng như tầm nhìn mới của Sony: dưới quyền vị tân CEO Kenichiro Yoshida, Sony sẽ tập trung hơn vào mảng nội dung giải trí (PlayStation Networks, nhạc và phim ảnh) để tạo ra “tỷ suất lợi nhuận cao” trong vòng 3 năm sắp tới. Trong cùng ngày, Sony cũng tuyên bố thâu tóm EMI Music với giá 2 tỷ USD và trở thành một trong những nhà xuất bản âm nhạc lớn nhất thế giới.
Để có thể thực hiện bước dịch chuyển tốn kém sang nội dung, gã khổng lồ Nhật Bản sẽ chấp nhận hy sinh mảng phần cứng của mình. Theo Bloomberg, kế hoạch của Yoshida bao gồm việc dần dần từ bỏ các thiết bị phần cứng. Ngay đến cả PlayStation 4, vốn hiện gần như độc tôn trên thị trường game console, cũng bị thẳng thừng tuyên bố “đang đến cuối vòng đời”.
Vinh quang trở lại
Vinh quang năm 1998 đang dần trở lại với Sony 2018.
Gã khổng lồ Nhật Bản có lý do để dần dần từ bỏ mảng phần cứng để tập trung vào nội dung. Mới chỉ tháng trước, Sony đã công bố lợi nhuận cao kỷ lục trong vòng 20 năm đổ lại. Khó có thể tin được, nhưng sự thật là vinh quang của năm 98 đã trở lại với Sony.
Đáng tiếc rằng chìa khóa đến vinh quang lại không mấy dính dáng đến các sản phẩm phần cứng mang thương hiệu Sony. Trong khi doanh số PS4 giảm 20%, tổng doanh thu mảng game vẫn tăng, đặc biệt là từ 2 tỷ USD do PlayStation Networks mang lại. Trớ trêu nhất, trong khi mảng Xperia vẫn gây lỗ hàng trăm triệu USD, mảng cảm biến camera (đối tác cung ứng cho nhiều thương hiệu smartphone đối thủ, bao gồm Apple) lại là nhân tố chính đằng sau lợi nhuận “khủng” của Sony. Các mảng nội dung nhạc và phim cũng lại là một nguồn thu béo bở cho công ty Nhật Bản.
Thực chất, những người theo dõi Sony sẽ không mấy bất ngờ về quyết định dần dần từ bỏ các thiết bị phần cứng. Kể từ thời CEO Kaz Hirai – người thực hiện cuộc hồi sinh thần kỳ cho Sony từ 2012 tới nay, doanh số phần cứng của hãng này gần như đã liên tục sụt giảm từ năm này sang năm khác. Vị CEO mới từ nhiệm này cũng đã từng đưa ra quyết định vô cùng “đau thương” là bán lại VAIO cho JIP.
Số thiết bị Sony bán ra từ 2011 tới nay, đơn vị: triệu chiếc.
Nhưng ngay từ 2015, khi Sony vẫn đang chìm trong khó khăn, chính Kaz Hirai cũng đã tuyên bố Sony có thể đạt 500 tỷ Yên lợi nhuận trong năm tài chính 2017. Từng là không tưởng, mục tiêu này đã trở thành hiện thực, và cổ phiếu Sony đã tăng giá tới 60%.
Tình yêu cứu vãn
Sony không có lý do gì để khai tử PlayStation hay các thiết bị âm thanh (tai nghe Sony đang chiếm thị phần số 1 thế giới), nhưng bất kỳ một mảng phần cứng nào khác cũng có thể chịu chung số phận với Vaio. Doanh số TV đã bằng phẳng sau nhiều năm – mảng này từng là “nạn nhân” của chiến dịch cắt giảm của cựu CEO Kaz Hirai. Smartphone Xperia tiếp tục “đốt tiền”, còn camera năm ngoái chưa đạt nổi… 4 triệu chiếc.
Đường sống của Xperia gói gọn trong ba chữ “tình yêu Sony”.
Chỉ duy nhất 1 thứ có thể cứu sống mảng phần cứng của Sony vào lúc này: tình yêu của người hâm mộ. Nếu từ bỏ nốt TV, smartphone và máy ảnh số, thương hiệu Sony sẽ chỉ còn tồn tại trên phần cứng game và các thiết bị âm thanh. Cả 2 đều là các thị trường có đối tượng người dùng tương đối đặc thù. Với các thị trường như xuất bản âm nhạc hay phim ảnh, thương hiệu Sony sẽ là vô nghĩa.
trong thời gian vừa qua cho thấy tình yêu kiểu hoài cổ vẫn sẽ mang lại lợi ích kinh tế nhất định. Dù có sa sút đến thế nào, Sony vẫn là thương hiệu từng đại diện cho cả một kỷ nguyên công nghệ. Từ bỏ phần cứng sẽ biến tình yêu đó trở thành… vô giá trị.
Xin đừng từ bỏ
Kịch bản đẹp lòng nhất đối với cả người dùng và Sony là các mảng sản xuất thiết bị tiếp tục sụt giảm cho đến khi… chạm đáy và tối đa lợi nhuận. Năm nay, Sony đã hoàn toàn từ bỏ phân khúc smartphone giá thấp. Ngay đến dòng XA tầm trung cũng đang bị mang lên bàn cân, nhưng dòng XZ thì lại được hưởng thiết kế mới khá ấn tượng.
Theo cùng một cách, thị trường TV và máy ảnh số cũng vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Điều Sony cần làm nhất lúc này là chọn ra được đối tượng người mua có thể thực sự giúp các thiết bị Sony có thể “sống sót lâu dài”, ví dụ như thu hẹp chỉ kinh doanh phân khúc cao cấp, thu hẹp chỉ kinh doanh máy ảnh compact full-frame hay thu hẹp chỉ sản xuất TV 4K.
Rõ ràng là tiềm năng thành công ngay trên thất bại vẫn còn đó. Sự ngạo mạn đã khiến Sony gục ngã, nếu nay lại tự ti đến mức từ bỏ những mảng kinh doanh vẫn còn tiềm năng, chẳng phải là tự mình làm hại mình đến 2 lần sao?