Vĩnh biệt smartphone LG: Dẫu có lỗi lầm, vẫn là một phần ký ức tươi đẹp của những người yêu Android

Vĩnh biệt smartphone LG: Dẫu có lỗi lầm, vẫn là một phần ký ức tươi đẹp của những người yêu Android - Ảnh 1.

Vĩnh biệt smartphone LG: Dẫu có lỗi lầm, vẫn là một phần ký ức tươi đẹp của những người yêu Android

Thất bại của smartphone LG là do chính LG gây ra. Nhưng trước khi thảm họa bootloop ập đến, LG đã kịp để lại dấu ấn rất đáng nhớ mà những fan ruột Android có lẽ sẽ không bao giờ quên.

Cái chết được báo trước

Cuối cùng, điều gì phải đến cũng đã đến. Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020, LG đã công bố đóng cửa mảng sản xuất smartphone.

Với những người theo dõi LG trong nhiều năm qua, đây không phải là một quyết định bất ngờ. Từ năm này sang năm khác, smartphone đã luôn là “vệt đỏ” chịu thua lỗ trong lúc các mảng kinh doanh khác đem lại lợi nhuận cho công ty mẹ. Khi Apple vẫn một mình thống trị phân khúc cao cấp, khi Samsung và Huawei liên tục cạnh tranh ngôi đầu về thị phần, và đặc biệt là khi Xiaomi cùng OPPO/Vivo xâm lấn phân khúc giá rẻ, việc LG từ bỏ thị trường di động chỉ là sớm hay muộn. Ai cũng hiểu rằng, cơ hội để thương hiệu Hàn Quốc tìm lại huy hoàng của quá khứ chỉ là 0%.

Vĩnh biệt smartphone LG: Dẫu có lỗi lầm, vẫn là một phần ký ức tươi đẹp của những người yêu Android - Ảnh 1.

Trong nhiều năm, smartphone đã là mảng kinh doanh duy nhất gây lỗ tại LG.

Nếu phải chọn ra một từ duy nhất để nói về cái chết của LG thì chắc chắn câu trả lời được nhiều người nghĩ đến nhất sẽ là “bootloop”. Bắt đầu từ cuối 2015, những người mua chiếc G4 đầu bảng của LG bắt đầu phàn nàn về hiện tượng máy liên tục tự khởi động lại. Trong lúc các đối thủ Trung Quốc như Xiaomi và Huawei đang đi vào giai đoạn bùng nổ, một lỗi sơ đẳng (do “các linh kiện tiếp xúc kém”) trên một dòng máy đắt tiền đã tạo ra một vệt nhơ không thể xóa bỏ cho smartphone LG.

Tồi tệ hơn, lỗi này tiếp tục xuất hiện trên cả loạt smartphone LG đầu bảng khác: G5, V10, V20 và Nexus 5X. Đầu 2017, người dùng tại Mỹ tiến hành kiện tập thể. LG thua kiện và buộc phải bồi thường 425 USD tiền mặt cho mỗi bị đơn. Đến cuối năm đó, LG tự tay chấm dứt mọi hy vọng hồi sinh khi để xảy ra lỗi màn hình trên V30 và cả chiếc Pixel 2 XL sản xuất cho Google.

Một tên tuổi đi kèm với sáng tạo

Nhưng trước khi chìm vào thảm họa bootloop, LG đã từng là một cái tên được yêu mến. Trong những năm đầu tiên gắn bó với Android, công ty Hàn Quốc chọn cách khởi đầu bằng các sản phẩm có giá mềm. Khi tiến đánh vào phân khúc cao cấp, LG thể hiện một tầm nhìn phần nào đi trước thời đại: thẳng thừng lựa chọn kích cỡ phablet (5.5 inch) cho Optimus G thay vì ra mắt song song đầu bảng “thường” và đầu bảng cỡ lớn như nhiều thương hiệu cùng thời.

Vĩnh biệt smartphone LG: Dẫu có lỗi lầm, vẫn là một phần ký ức tươi đẹp của những người yêu Android - Ảnh 2.

Pin trâu, màn lớn và những sáng tạo dị thường – chúng ta đã từng có rất nhiều lý do để “yêu” LG.

Đến G2, LG tiên phong một sáng tạo quan trọng tiếp theo: bo hẹp viền đến mức siêu nhỏ, cho phép người dùng có thể tận hưởng màn hình 5.5 inch trong một thân hình không khác biệt nhiều so với những chiếc smartphone “thường”. Đặc biệt, đi cùng với quyết định này, LG di chuyển nút nguồn và nút âm lượng ra phía sau máy, mở màn cho một thiết kế đến nay vẫn được nhiều hãng sử dụng (đặt cảm biến vân tay phía sau lưng).

Cùng một năm, LG ra mắt chiếc smartphone màn hình cong đầu tiên – G Flex. Công nghệ màn cong lúc này vẫn còn mới mẻ sau này sẽ tạo thành nền tảng cho G4, chiếc điện thoại độc đáo với vỏ lưng làm bằng chất liệu giả da. Chưa dừng lại ở đây, LG nối tiếp G4 bằng V10, chiếc điện thoại với một “dải” màn hình độc đáo phía trên để hiển thị thông báo và phím tắt.

Một góc của Android

Như bạn có thể thấy, trước khi thảm họa bootloop phá hỏng tất cả, LG đã từng là một thương hiệu đại diện cho một sức sáng tạo đặc biệt. LG dám ra mắt nhiều mẫu điện thoại “chẳng giống ai” với những tính năng đặc biệt có thể khiến người dùng tò mò. LG dám thực hiện những bước đi gây tranh cãi, ví dụ như màn hình cong hay phím bấm ở phía sau lưng điện thoại.

Vĩnh biệt smartphone LG: Dẫu có lỗi lầm, vẫn là một phần ký ức tươi đẹp của những người yêu Android - Ảnh 3.

Nexus 4 và Nexus 5: Những chiếc điện thoại cấu hình cao giá rẻ xuất hiện vào đúng thời điểm “chín” của Android.

Nhưng với những fan ruột của chú robot xanh, những chiếc điện thoại LG quan trọng nhất lại là những chiếc điện thoại… kém sáng tạo nhất. Thậm chí, chúng còn chẳng mang thương hiệu LG: trong hai năm liên tiếp, LG là đối tác sản xuất Nexus cho Google.

Vậy tại sao những chiếc điện thoại này lại được yêu quý đến thế? Câu trả lời đơn giản là bởi vi chúng rất rẻ. Ở mức giá chỉ 300 USD, Nexus 4 vẫn sở hữu tốc độ đầu bảng của con chip Snapdragon S4 Pro. Nexus 5 tuy đắt hơn 50 USD nhưng vẫn được trang bị Snapdragon 800. Ở mức giá chỉ bằng một nửa Galaxy S/Note hay Xperia, hai chiếc Nexus này là một phần quan trọng trong trào lưu “flagship killer”, giúp người dùng không quá dư dả có thể chạm tay tới hiệu năng hàng đầu.

Và, cũng không thể quên rằng Nexus mang đến trải nghiệm Android của Google, do Google làm chủ. Trong thời đại dung lượng và trải nghiệm của các bộ ROM Android thực sự gây khó chịu cho người dùng, LG đã trở thành một phần quan trọng của Android bằng cách… không động gì đến Android cả.

Những nuối tiếc cuối cùng

Vĩnh biệt smartphone LG: Dẫu có lỗi lầm, vẫn là một phần ký ức tươi đẹp của những người yêu Android - Ảnh 4.

LG G5: Sáng tạo đỉnh cao, doanh số thất bại…

Nếu không vì bootloop, số phận của những chiếc LG lẽ ra đã rất khác. Đầu năm 2016, LG G5 ra mắt và trở thành biểu tượng hoàn hảo cho sức sáng tạo của nhà sản xuất Hàn Quốc: đây là chiếc smartphone module đầu tiên được phát hành rộng rãi, vượt mặt cả Project Ara của Google. Chỉ tiếc rằng danh tiếng của LG đã bị hủy hoại hoàn toàn. Không mấy ai muốn thử nghiệm một chủng loại smartphone hoàn toàn mới đến từ một nhà sản xuất không thể đảm bảo chất lượng được cho người tiêu dùng.

Mức giá đắt đỏ của Nexus 5X cùng những sự cố bootloop dai dẳng đẩy thị phần của LG dần chìm vào dĩ vãng. Mối lương duyên của LG với Google cũng chính thức chấm dứt khi chỉ duy nhất Pixel 2 XL (do LG sản xuất) gặp lỗi còn Pixel 2 (do HTC) sản xuất thì không. Cùng cần chỉ ra rằng, Pixel đánh dấu một giai đoạn mới trong tầm nhìn của Google: không giống như Nexus mang trải nghiệm Android nguyên bản nhất, “chung” nhất, Pixel mang trải nghiệm Android của riêng Google, không chia sẻ với bất kỳ ai. Và Pixel cũng không hề rẻ. Kết hợp giữa mức giá đắt với lỗi màn hình ngớ ngẩn, Pixel 2 XL có lẽ là chiếc smartphone LG cuối cùng được người dùng để ý tới, theo một cách không hề tích cực chút nào cả.

Vĩnh biệt smartphone LG: Dẫu có lỗi lầm, vẫn là một phần ký ức tươi đẹp của những người yêu Android - Ảnh 5.

Những sáng tạo trở nên vô nghĩa khi không còn ai tin vào chất lượng của LG nữa.

Chính vì thế, ít ai nhận ra rằng LG vẫn miệt mài tạo ra những chiếc điện thoại “không giống ai”. V50, V60 và LG G8X được trang bị phụ kiện để mở rộng trải nghiệm ra hai màn hình. LG Wing mở màn cho trải nghiệm Android trên không gian hiển thị hình… chữ T.

Còn lại những ký ức

Nếu ra mắt sớm hơn 7 hoặc 8 năm, có lẽ số phận của Wing đã khác. Khi ấy, LG vẫn còn là một thương hiệu được yêu quý vì đã góp phần “bình dân hóa” trải nghiệm smartphone cao cấp. Khi ấy, smartphone vẫn phần nào là một thế giới mới mẻ, nơi người dùng vẫn sẵn sàng chấp nhận những sáng tạo lạ lùng, nơi các nhà sản xuất vẫn sẵn sàng đem đến những ý tưởng mới mẻ.

Chỉ tiếc rằng thế giới smartphone của năm 2020 đã khác đi rất nhiều. Trào lưu “flagship killer” đã kết thúc từ lâu. Trừ màn hình gập, các nhà sản xuất đã lâu không còn dám đưa ra những ý tưởng mới mẻ. Cuộc chiến smartphone là cuộc chiến của Apple, Samsung và các nhà sản xuất Trung Quốc. Trong cuộc chiến này, kẻ sống sót hoặc phải có giá trị trau chuốt đến tận cùng, hoặc phải có giá rẻ để cạnh tranh. LG không có cả hai thứ ấy. Cái chết của smartphone LG, như chúng ta đã luôn biết, là cái chết tất yếu phải xảy ra. Sớm thôi, thị trường sẽ hoàn toàn vắng bóng những chiếc smartphone lạ lùng của thương hiệu lớn thứ hai Hàn Quốc.

Vĩnh biệt smartphone LG: Dẫu có lỗi lầm, vẫn là một phần ký ức tươi đẹp của những người yêu Android - Ảnh 6.

Vĩnh biệt, cái tên đã từng gắn liền với sáng tạo dị thường!

Nhưng chấm dứt không có nghĩa là lãng quên. Chí ít, LG vẫn sẽ luôn nắm giữ một phần quan trọng trong tâm trí của những người đã yêu và đã dõi theo những bước trưởng thành của Android. Xin được tạm biệt những chiếc smartphone mang thương hiệu LG, và xin cảm ơn vì những ký ức ấy.

 

 

Tổng quan đánh giá

Bấm để đánh giá chất lượng

Chấm điểm trung bình / 5. Số lần đánh giá:

Chưa có đánh giá, bạn hãy là người đầu tiên !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status